Thực trạng Quy hoạch xây dựng vùng ở Việt Nam

Thứ hai - 19/09/2011 01:34 10.267 0
       Nhiều dự án đầu tư chỉ căn cứ theo quy hoạch phát triển ngành, không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã dẫn đến việc phải điều chỉnh (vị trí xây dựng hoặc hướng tuyến xây dựng công trình...) gây thiệt hại lớn về kinh tế...
               Trong những năm gần đây, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng Vùng ở các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước lần lượt đã được phê duyệt. Ví như  năm 2009 có tới 4 đồ án quy hoạch xây dựng vùng quan trọng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt gồm: Đồ án quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Campuchia; Quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ; Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2008 Thủ tướng chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Miền trung - Trung trung bộ đến năm 2025.  Theo Bộ xây dựng, tính đến thời điểm này, đồ án quy hoạch xây dựng các vùng đã cơ bản hoàn thành và phủ kín diện tích trên phạm vi cả nước.

Điều này cho thấy sự quan tâm sát sao của các ngành, các Bộ và Chính phủ Việt Nam đối với công tác quy hoạch xây dựng Vùng hiện nay. Đây cũng chính là một bước tiến mới trong công tác quy hoạch xây dựng.

Tuy nhiên nhìn nhận một cách khách quan thì trong những năm qua, mặc dù hầu hết các quy hoạch xây dựng Vùng tại Việt nam đã được phê duyệt, hoặc đã điều chỉnh nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao. Điều này nhận thấy rất rõ trong thực tế khi hầu hết các tỉnh Miền trung với lợi thế về vị trí tiếp giáp với biển nên các tỉnh đua nhau xây dựng cảng biển nội địa, cảng biển quốc tế. Theo thống kê hệ thống cảng biển Việt Nam hiện có khoảng 160 bến cảng với hơn 300 cầu cảng với tổng chiều dài tuyến bến đạt hơn 36km. Các cảng biển Việt Nam hiện do rất nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp, các địa phương, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, đầu tư, quản lý và khai thác. Với tốc độ xây dựng cầu bến mỗi năm tăng 6%, bình quân mỗi năm cả nước có thêm gần 2km cầu cảng. Để xây dựng được hệ thống cảng biển như vậy chính phủ đã phải bỏ ra kinh phí xây dựng rất cao và tốn kém nhưng hiệu quả đạt được sau khi dự án đã hoàn tất thì lại thấp và còn rất nhiều bất cập từ khâu cầu dẫn, giao thông tiếp cận….đến cả khâu bốc xếp. Vì vậy, chi phí vận tải biển, bốc xếp của Việt Nam tăng cao và không có tính cạnh tranh trong khu vực. Điều này là tất yếu vì chúng ta đầu tư dàn trãi, dọc bờ biển đất nước có tới 160 bến cảng trong khi đó cả đất nước Singapore chỉ có một cảng quốc gia và quốc tế nhưng năng suất, dịch vụ, giá cả tiện nghi cạnh tranh rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Thêm vào đó, Qua kiểm tra, rà soát thực tế tại các địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh còn nhiều bất cập; chưa có sự gắn kết, thống nhất với các mục tiêu phát triển của vùng, dẫn đến sự chồng chéo, đầu tư lãng phí; tính thống nhất và cơ chế phối hợp giữa các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cấp tỉnh còn yếu.

Nhiều dự án đầu tư chỉ căn cứ theo quy hoạch phát triển ngành, không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã dẫn đến việc phải điều chỉnh (vị trí xây dựng hoặc hướng tuyến xây dựng công trình...) gây thiệt hại lớn về kinh tế... Đặc biệt là việc bổ sung, điều chỉnh các khu công nghiệp (KCN) tập trung; phát triển đô thị mới, khu đô thị mới, khu du lịch không phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh đã được phê duyệt, làm phá vỡ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung của tỉnh... Đáng chú ý  là phần lớn các khu du lịch không được lập quy hoạch xây dựng một cách đầy đủ như đối với quy hoạch xây dựng KCN, khu đô thị.

Tất cả những bất cập nêu trên chỉ là những vấn đề điển hình trong quá trình phát triển kinh tế. Còn rất nhiều những bất cập trong quy hoạch xây dựng Vùng tại Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận  những bất cập một cách nghiêm túc như là những bài học kinh nghiệm sâu sắc, để từ đó tìm ra những nguyên nhân chính yếu và đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất nhằm mang đến sự phát triển hợp lý, bền vững cho các đô thị Việt nam.

Dưới đây là một số nguyên nhân chính yếu cho việc thực thi chưa hiệu quả quy hoạch vùng tại Việt nam.

* Nguyên nhân thứ nhất phải kể đến đó là do Chúng ta chưa có cơ quan đủ thẩm quyền đứng ra lập, thực thi và quản lý quy hoạch vùng.

- Điều này nghe có vẻ rất phi lý, vì hiện nay rõ ràng chúng ta đã có Bộ xây dựng với các viện kiến trúc, viện quy hoạch đô thị và nông thôn là cơ quan gần như đóng vai trò chủ chốt trong việc lập, thẩm định và thực thi quy hoạch vùng. Nhưng trên thực tế, Bộ xây dựng đứng vai trò là đơn vị lập và thẩm định đồ án quy hoạch vùng, còn vấn đề thực thi thì chính là chính quyền địa phương của vùng, của các tỉnh thành phố trong vùng. Chính điều này gây ra những bất cập trong nội tại, dẫn đến những thực trạng chồng chéo, không khớp trong quy hoạch vùng.

* Nguyên nhân thứ hai sự thiếu phối hợp giữa các Bộ nghành liên quan như: Bộ nông nghiệp, Bộ tài nguyên môi trường, Bộ công thương, Bộ giao thông vận tải, Bộ Nông nhiệp và phát triển nông thôn,...vv

- Như chúng ta đã biết Quy hoạch xây dựng vùng được lập cho các vùng có chức năng tổng hợp hoặc chuyên ngành gồm vùng các vùng trọng điểm, có các vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, chức năng tổng hợp hoặc chuyên ngành như: vùng kinh tế trọng điểm, vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, các vùng công nghiệp, vùng đô thị lớn, vùng du lịch, nghỉ mát, vùng bảo vệ di sản cảnh quan thiên nhiên và các vùng khác do người có thẩm quyền quyết định. Vì vậy việc lập quy hoạch vùng phải có sự gắn kết chặt chẽ của tất cả các Bộ, các nghành.

           Hiện nay đồ án quy hoạch được lập dựa trên quy trình: Bộ xây dựng là đơn vị chủ quản (như trên sơ đồ) đưa cho các đơn vị trực thuộc Bộ như: Các viện kiến trúc, viện quy hoạch đô thị và nông thôn lập. Việc thu thập tài liệu liên quan đến các Bộ nông nghiệp, Bộ tài nguyên môi trường, Bộ công thương, Bộ giao thông vận tải, Bộ thủy lợi.. được các viện này tự thu thập bằng cách xin, mua…và có thể nói những nguồn tài liệu có những số liệu lạc hậu, chưa được cập nhật. Vì thế sự chống chéo là không thể tránh khỏi.

* Nguyên nhân thứ ba Thiếu sự kết hợp của các chính quyền địa phương trong vùng

-Trong quy hoạch xây dựng vùng được lập cho các vùng quốc gia, có các vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, chức năng tổng hợp hoặc chuyên ngành như: vùng kinh tế trọng điểm, vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện…nên rất cần các huyện, tỉnh lị có liên quan ngồi lại xem xét những yếu tố hợp lý hoặc chưa hợp lý trong quy hoạch xây dựng vùng, liên vùng. Từ đó đóng góp ý kiến xây dựng để quy hoạch vùng hoàn thiện và có tính thực thi cao.

* Nguyên nhân thứ tư sự thiếu tầm nhìn của các đơn vị tư vấn và lãnh đạo một số khu vực địa phương.

            - Trong quá trình lập quy hoạch xây dựng vùng các đơn vị tư vấn do nhiều yếu tố ngoài những yếu tố khách quan như: sự thiếu phối hợp của các địa phương, sự thiếu phối hợp giữa các nghành chức năng liên quan, còn các yếu tố chủ quan như: chưa đi sâu nghiên cứu tiềm năng đặc trưng từng vùng lãnh thổ, chưa thu thập chi tiết các số liệu thống kê một cách chính xác, thiết kế một cách chủ quan mà chưa nghiên cứu các kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

            - Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường chúng ta rất hay đối mặt với những lãnh đạo các địa phương thiếu tầm, thiếu tâm và luôn dùng quyền hành áp đặt vào trong quy hoạch gây tổn hại nghiêm trọng đến không gian vùng lãnh thổ.

* Nguyên nhân thứ năm do Chưa làm tốt công tác quản lý, thẩm định quy hoạch xây dựng vùng

- Quy hoạch xây dựng vùng thực chất đã được quan tâm và lập từ cách đây  khoảng 20 năm với rất nhiều những vấn đề bất cập. Song hầu như các cấp quản lý chỉ nhận xét, đánh giá rồi lại điều chỉnh và vấn đề vẫn không có lời giải đáp cho thực trạng phát triển không theo quy hoạch xây dựng vùng và những rối ren trong việc chọn hướng đi của các địa phương như hiện nay.

- Việc quy hoạch xây dựng vùng gặp nhiều vấn đề từ sự chồng chéo quy hoạch, thực thi không theo quy hoạch… Các nhà quản lý và thẩm định đóng vai trò lớn trong vấn đề quy hoạch xây dựng vùng.

Qua thực trạng quy hoạch xây dựng Vùng và 5 nguyên nhân chính yếu nêu trên chúng ta nhận thấy vấn đề quy hoạch vùng là một vấn đề rất lớn liên quan đến hầu như tất cả các lĩnh vực có ảnh hưởng lớn và sâu rộng đến các địa phương, tỉnh thành, vùng miền trong cả nước. Đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế, định hướng đầu tư xây dựng, chiến lược phát triển hạ tầng kỷ thuật, hạ tầng xã hội trên cả nước.

Giải pháp cho quy hoạch xây dựng vùng phải được nhìn nhận từ hệ thống quản lý, đối tượng quản lý đến phương thức thực thi cũng như đối tượng sử dụng. Dưới đây là một số giải pháp có thể áp dụng tại Việt Nam.

*Giải pháp thứ nhất: Thành lập một  cơ quan quản lý quy hoạch vùng trực thuộc chính phủ, có khả năng chi phối các Bộ xây dựng, Bộ giao thông vận tải, Bộ kế hoạch và đầu tư và các Bộ khác (sơ đồ 2).

- Trong giai đoạn ngắn hạn Cơ quan quản lý quy hoạch vùng sẽ thành lập dưới hình thức tập hợp các cá nhân có năng lực, có quyền tự quyết của các Bộ xây dựng, Bộ giao thông vận tải, Bộ kế hoạch và đầu tư và các Bộ khác. Trong giai đoạn dài hành Cơ quan quản lý quy hoạch vùng được phép thu hút các chuyên gia hàng đầu của cả nước và quốc tế về tất cả các lĩnh vực kinh tế, xây dựng, giao thông, xã hội, nông nghiệp, công nghiệp…vv, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tốt nhất quy hoạch vùng của cả nước.

- Cơ quan quản lý quy hoạch vùng sẽ là đơn vị mời các tổ chức tư vấn lập quy hoạch vùng trong nước và quốc tế có đủ năng lực tham gia thực hiện đồ án quy hoạch vùng.

- Cơ quan quản lý quy hoạch vùng cùng với các bộ ngành có liên quan có trách nhiệm thẩm định  và trình thủ tướng chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch vùng.

- Đồ án quy hoạch vùng sau khi phê duyệt sẽ tiến hành các bước thực thi theo từng giai đoạn cụ thể và dưới sự quản lý, kiểm tra, đôn đốc của Cơ quan quản lý quy hoạch vùng

            + Cơ quan quản lý quy hoạch vùng chịu trách nhiệm trước thủ tướng chính phủ về tất cả các vấn đề quy hoạch vùng.

Trường hợp ở các quy hoạch liên vùng, quy hoạch vùng tỉnh cũng có Cơ quan quản lý quy hoạch vùng với cơ cấu tương tự.

* Giải pháp thứ hai: Mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền về tầm quan trọng và nguyên tắc chung trong quy hoạch Vùng cho các đối tượng quan chức lãnh đạo từ cấp xã đến cấp tỉnh, cấp thành phố, cấp trung ương.

- Trong quá trình thực thi giải pháp thứ 2 cần thiết phải thực hiện một cách nghiêm túc, tránh tình trạng làm qua loa, cho xong, được như thế mới mong có được những hiệu quả tốt.

* Giải pháp thứ ba: Tổ chức các cuộc thi quy hoạch vùng với nhiều đơn vị tham gia, tạo điều kiện thuận lợi để tìm kiếm đơn vị tư vấn có năng lực cao, có tầm nhìn và có nhiều kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

* Giải pháp thứ tư: Ban hành các quy định chặt chẽ cho các cơ quan có trách nhiệm lập, thẩm định, thực thi, quản lý và phối hợp thực hiện quy hoạch vùng.

Khi chúng ta thực hiện được giải pháp thứ nhất này chúng ta sẽ giải quyết được nguyên nhân thứ nhất, nguyên nhân thứ hai và nguyên nhân thứ năm. Tức là chúng ta giải quyết được cơ bản các vấn đề về chính sách quản lý và thực thi hiệu quả. Các giải pháp thứ hai, giải pháp thứ ba, giải pháp thứ tư giải quyết được các nguyên nhân còn lại.

           Với đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam, với sự năng động, sáng tạo và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân. Chúng ta có nhiều khả năng sẽ thực thi hiệu quả quy hoạch vùng trên bình diện cả nước thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, chính trị, an ninh và xã hội.

                                                                                                    KTS Ngô Thị Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay8,717
  • Tháng hiện tại177,828
  • Tổng lượt truy cập11,515,015
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây