Câu chuyện tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 03/04/2016 21:23 2.751 0

Câu chuyện tư tưởng Hồ Chí Minh

Vào lúc 7h30" ngày 7 tháng 3 năm 2016, tại Hội trường Sở Xây dựng đã tổ chức triển khai nội dung "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
 

CỨ GỌI TÔI LÀ BA NHƯ NGÀY TRƯỚC

 

Câu chuyện xảy ra ở Hải Phòng năm 1946. Ở phố Ngõ Nghè có một ông già mù cả hai mắt tên là Thuyết. Hồi còn trẻ ông làm thủy thủ ở các tàu buôn lớn ra nước ngoài. Sau này, ông làm công ở một hiệu ảnh bên Pháp rồi làm nhiều nghề khác.

Cuối năm 1943, ông già Thuyết trở về nước với một chiếc hòm gỗ, một chiếc ba-toong và hai con mắt chỉ còn lòng trắng. Ông đến ở nhờ gia đình người em gái. Ông già Thuyết rất ít nói chuyện với mọi người nhưng lại hay nói chuyện một mình và toàn nói bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Thỉnh thoảng người nhà lại thấy ông thở dài như nhớ tiếc một cái gì đã mất. Thấy cảnh sống của ông như vậy, những người trong gia đình cho là ông lẩm cẩm, dở người. Nhưng đến năm 1946, từ hôm được tin Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán, đang trên đường về nước bằng tàu biển thì tự nhiên ông già Thuyết vui cười hớn hở lạ thường. Ông nói chuyện huyên thuyên cả ngày và có lúc ông lại hát những bài ca bằng tiếng Pháp, tiếng Anh.

Buổi sáng hôm ấy, nhân dân trong phố nô nức đi đón tàu chở Hồ Chủ tịch cập bến Sáu Kho. Ông già Thuyết cũng náo nức mở chiếc hòm gỗ, lôi ở đái hòm ra một bộ quần áo dạ. Hồi ở bên Pháp ông thường mặc bộ quần áo này. Rồi ông xỏ tất, đi giày gọn gàng. Chưa bao giờ ông già Thuyết vui như hôm ấy. Tiết trời đang nóng bức, ông lại mặc quần áo dạ. Người nhà buồn cười, chế giễu ông là dở điên, dở dại. Nhưng ông chỉ cười tủm tỉm rồi hát líu lô khe khẽ một mình những bài ca bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.

Chiều hôm ấy, hầu như tất cả nhân dân lao động thành phố Hải Phòng xuống đường đi đón Hồ Chủ tịch. Trong là sóng người ấy, người ta thấy có ông già Thuyết. Đoàn xe hơi của Hồ Chủ tịch về nghỉ tạm ở trường nữ sinh, phố Ngõ Nghè, cách chỗ của ông già Thuyết chừng vài trăm thước. Cùng lúc ấy, ông già Thuyết áo quần chỉnh tề, gọi đứa cháu gái, trịnh trọng bảo nó dắt sang gặp Hồ Chủ tịch. Đứa bé sửng sốt, kêu lên:

- Trời ơi! Ông điên rồi! Ông là gì mà lại đòi sang chơi với Hồ Chủ tịch?

- Ông là bạn thân ngày trước với Hồ Chủ tịch, cháu ạ! Đứa cháu gái bưng miệng cười, lắc đầu:

- Thôi, cháu lạy ông! Ông mà lại là bạn thân của Bác Hồ!

Mặc, ông già Thuyết cứ nằng nặn đòi cháu dẫn đi. Cả nhà xúm lại can ngăn ông. Cuối cùng, ông già bực mình, gắt lên:

- Chúng mày không dẫn thì ông đi một mình vậy.

Cực chẳng đã, người nhà phải để đứa cháu gái dắt ông đi nhưng lại bắt ông cởi bộ quần áo dạ ra. Ông cười, trả lời:

- Ngày xưa khi ở chung với Cụ Hồ, tao thường mặc bộ quần áo này.

Đứa cháu gái dẫn ông đến cửa trường học thì rụt rè đứng lại. Ông hỏi to lên:

- Thế nào? Đã đến chỗ Hồ Chủ tịch chưa?

Giữa lúc ấy một anh bộ đội cầm súng bước ra. Sau khi hỏi chuyện, anh bộ đội nhìn ông già Thuyết từ đầu đến chân, tỏ vẻ hoài nghi, nhưng thấy vẻ mặt thật thà và thái độ quả quyết của ông già mù, anh liền bảo hai ông cháu đứng chờ rồi quay vào báo cáo. Một lúc sau, anh bộ đội hấp tấp đi ra, vẫy gọi đứa bé dắt ông già Thuyết vào. Vừa tới phòng khách, đã thấy Hồ Chủ tịch đứng ở ngưỡng cửa. Hai người giáp mặt nhau, Hồ Chủ tịch bước nhanh tới, nắm chặt lấy bàn tay ông già Thuyết, vẻ mặt tươi cười. Người thân mật hỏi:

- Thuyết đấy à? Lâu lắm chúng ta mới lại được gặp nhau. Ông già Thuyết cảm động quá, lắp bắp:

- Hồ Chủ…

Nhưng Hồ Chủ tịch đã ngắt lời ông:

- Đừng xưng hô như thế! Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước.

Rồi Người xoa đầu đứa cháu và ân cần dắt ông già Thuyết về phòng nghỉ của mình. Chiều hôm ấy, tuy bận nhiều công việc nhưng Hồ Chủ tịch cũng đã để nửa giờ tiếp ông già Thuyết, người thủy thủ năm xưa đã giấu Người ỏ dưới tàu trong lúc vượt đại dương bôn ba, hoạt động, người bạn đồng nghiệp đã chung sống với Người ở một hiệu ảnh bên Pháp, một quần chúng cảm tình của Đảng. Thỉnh thoảng câu chuyện giữa hai người lại bị ngắt bởi những tiếng cười giòn giã.

Trước lúc chia tay, ông già Thuyết nắm lấy bàn tay Hồ Chủ tịch, vuốt ve lên nước da phong trần của Người, giọng run run xúc động.

- Tôi già rồi, lại ốm đau luôn và bị mù cả hai mắt. Đồng chí thì bận chăm lo việc nước. Có lẽ chúng ta ít khi có dịp gặp lại nhau. Tôi mừng cho vận mệnh nước nhà từ nay có người tài ba dìu dắt, mừng cho đồng chí làm cách mạng đã thành công. Đồng chí nên giữ gìn sức khỏe.

Hồ Chủ tịch tiền chân ông già Thuyết ra tới cổng tỏ vẻ lưu luyến. Người dặn dò thân thiết.

- Tôi bây giờ tuy là Chủ tịch một nước nhưng chẳng qua cũng chỉ là tôi tớ nhân dân mà thôi. Đối với anh trước sau tôi cũng chỉ là một người bạn thân. Anh nên gửi thư cho tôi luôn luôn.

- Rồi Người nhắc nhở ông già Thuyết về phải khuyến khích gia đình tích cực thi hành mọi chủ trương, chính sách của mặt trận Việt – Minh và Chính phủ để kiến thiết đất nước…

Kháng chiến bùng nổ, ông già Thuyết vì già yếu và mù phải ở lại thành phố… Hòa bình lập lại, ông già Thuyết đã già yếu lắm. Sau ngày Hồ Chủ tịch trở lại Thủ đô, ông già Thuyết lại được lên gặp Người lần nữa. Người đã giúp cho ông già vào điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội. Nhưng vì tuổi già, sức yếu, lại bị đau mắt nặng nên ít lâu sau ông già Thuyết từ trần, Hồ Chủ tịch lại giúp đỡ mai táng cho ông chu đáo.

Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay7,276
  • Tháng hiện tại226,682
  • Tổng lượt truy cập11,257,056
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây