Sở Xây Dựng Bình Phước

https://sxd.binhphuoc.gov.vn


Uống nước nhớ nguồn

Uống nước nhớ nguồn
Vào lúc 7h30 ngày 03 tháng 7 năm 2017, tại Hội trường Sở Xây dựng đã tổ chức triển khai" Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
"Uống nước nhớ nguồn" là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến thương binh, liệt sỹ. Người khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Người luôn nhắc nhở toàn đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh tính mệnh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ có đoạn Người viết: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.

Bác luôn đánh giá rất cao công lao, thành tích của các thương binh liệt sĩ, gia đình quân nhân, những cá nhân và gia đình có công với cách mạng đã “Làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”. Với tình cảm chân thành, lòng biết ơn đối với thương binh liệt sỹ, ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành “Thông cáo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” như một chính sách của Nhà nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm, lòng nhân ái của Người. Không những thế, năm 1947 trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang vào giai đoạn quyết liệt, Người đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên lấy ngày 27/7/1947 làm ngày “Ngày thương binh liệt sĩ” và được tổ chức đều đặn hàng năm trên cả nước. Là một chủ tịch nước, mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng hàng năm cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang và Người trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh, ngay cả những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác đều tặng lại các đồng chí. Người luôn khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”.

Không chỉ trực tiếp thăm hỏi, động viên, quan tâm đến thương binh liệt sỹ, Bác còn nhắc nhở các ban ngành, đoàn thể từ trung ương tới địa phương phải luôn quan tâm đến thương binh, gia đình liệt sĩ. Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đặc biệt là đối với các thương binh đã hết nghĩa vụ ở chiến trường, để đảm bảo cho họ có nơi ở mới, có cuộc sống ổn định, Người đã đề xuất phong trào “Đón thương binh về làng” và căn dặn chính quyền địa phương phải “Trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào để giúp thương binh” và người luôn quan tâm, theo dõi sát sao, đôn đốc phong trào. Người đề nghị chính quyền và nhân dân bảo nhau đến làm giúp những công việc như gánh nước, lợp nhà, đến mùa thì gặt hái... cho các thương binh và gia đình liệt sĩ …

Bên cạnh đó, Người luôn động viên, khuyến khích thương binh sớm hòa mình vào cộng đồng, tham gia sản xuất với tinh thần “Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sĩ anh dũng. Khi ở trại thì anh em nên thi đua học tập và công tác. Lúc ra trại thì nên hăng hái tham gia công tác sản xuất ở địa phương, ở cơ quan”. Và người phấn khởi nhận thấy “Trong năm qua, các gia đình liệt sĩ và anh em thương binh, bệnh binh đã đóng góp khá nhiều vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người vui mừng khi thấy những thành quả phát triển kinh tế trong đó có nhiều tập đoàn sản xuất của thương, bệnh binh, các cá nhân thương, bệnh binh đã đem hết sức lực và khả năng của mình để tăng gia sản xuất góp phần xây dựng đất nước, xứng đáng với câu nói của Bác “ Các chú tàn mà không phế”.

Ngay cả trước lúc đi xa, người không quên căn dặn trong Di chúc: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình...Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ mỗi địa phương...cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương...phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Người căn dặn “thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Có thể thấy rằng, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thương binh liệt sĩ những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt nhất. Lúc nào và bao giờ cũng vậy, tình cảm bao dung, che chở của Người không chỉ thể hiện bằng những lời kêu gọi mộc mạc, chân thành, giản dị, xúc động lòng người mà còn thể hiện bằng những hành động cụ thể hằng ngày đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Theo con số thống kê của Bộ Lao động TB&XH, hiện nay trên cả nước có:

+ Gần 1.2 triệu liệt sỹ;

+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 117.000 người.

+ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người.
        + Thương binh: trên 640.000 người;

+ Bệnh binh: gần 185.000 người.

+ Người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người.

+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người.

+ Người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người.

+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người.

Các con số trên đã minh chứng cho sự hy sinh, mất mát to lớn biết nhường nào của đồng bào ta. Và trong số hơn 1 triệu liệt sỹ hy sinh, thì có tới gần một nữa còn khuyết danh hoặc chưa đủ thông tin và chưa tìm được hài cốt.

Chung tay cùng với cả nước trong công cuộc chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, trong trong thời gian quan thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Giám đốc Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thực hiện tham mưu đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; thiết kế các mẫu nhà cho người nghèo, người có công; thăm hỏi, tặng quà cho con của các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ trong cơ quan của BCH Công đoàn Sở; thăm viếng, làm cỏ, chăm sóc vườn hoa tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh của đoàn thanh niên … đây không chỉ những là nhiệm vụ chính trị mà những việc làm đó còn thể hiện sự quan tâm, lòng biết ơn sâu sắt của tập thể công chức viên chức, người lao động Sở Xây dựng dành cho những người đã hy sinh vì cuộc sống bình yên của Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, đất nước đã độc lập thống nhất nhưng tất cả chúng ta những người dân Việt Nam không lúc nào nguôi ngoai những mất mát, những nỗi đau mà nó để lại. Những người con anh dũng của Tổ quốc, có người còn sống nhưng cũng có người đã nằm lại với đất mẹ thân yêu. Nhưng những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được thế hệ những người Việt Nam tưởng nhớ.

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm,

Có tuổi hai mươi thành sóng nước,

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

 

 

Hồng Hạnh - Chi ủy viên Chi bộ 2

Nguồn: Số liệu Cục Người có Công – Bộ LĐTB&XH, sưu tầm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây