Hạ tầng mới đang tạo thế và lực cho Bình Phước

Thứ năm - 12/05/2011 21:46 1.192 0
Sau 14 năm thành lập, trải qua bao khó khăn đến nay Bình Phước đã có hệ thống hạ tầng hiện đại và đồng bộ, cùng với hơn 10 KCN, cụm công nghiệp. Đây được xem là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị vững mạnh, tạo thế và lực bước vào thời kỳ CNH, HĐH....

Sau 14 năm thành lập, trải qua bao khó khăn đến nay Bình Phước đã có hệ thống hạ tầng hiện đại và đồng bộ, cùng với hơn 10 KCN, cụm công nghiệp. Đây được xem là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị vững mạnh, tạo thế và lực bước vào thời kỳ CNH, HĐH. Để hiểu rõ hơn về hạ tầng đô thị Bình Phước cũng như kế hoạch trong thời gian tới, PV Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Võ Tất Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Phước xung quanh vấn đề này.

Muốn phát triển được đô thị thì hạ tầng phải đi trước một bước. Vậy việc quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở Bình Phước được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trong những năm đầu tái lập tỉnh, công tác quản lý đầu tư chưa đồng bộ nên dẫn đến việc quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật còn nhiều tồn tại. Song trong vòng 5 năm gần đây công tác này đã có nhiều tiến triển tốt, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn, người dân đi lại ngày càng dễ dàng hơn.

Đi kèm với hệ thống đường là cây xanh và điện chiếu sáng. Cho đến nay có 10/10 đô thị của Bình Phước được quy hoạch công viên cây xanh tập trung, tỷ lệ đất cây xanh trung bình khoảng 20% đất đô thị. Riêng thị xã Phước Long đã đầu tư hoàn chỉnh 1 công viên cây xanh nằm trước trụ sở UBND Thị xã và Thị ủy hiện hữu. Ngoài ra, hệ thống điện chiếu sáng cũng được trang bị đầy đủ trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh lộ và các tuyến trục chính của đô thị.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống tại các đô thị và phục vụ DN trong các KCN thì việc cấp, thoát nước được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trên địa bàn Bình Phước có 5 nhà máy nước đang hoạt động phục vụ các đô thị Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng và 1 nhà máy nước Phú Riềng huyện Bù Gia Mập. Tổng công suất của các nhà máy là 15.000/25.803m3/ngđ. Tỷ lệ cấp nước đạt 20 - 25% dân số đô thị, chưa có KCN và khu dân cư mới nào được cấp nước sạch.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cấp nhà máy nước Suối Cam từ 4.800m3/ngđ lên 20 nghìn m3/ngđ và nhà máy nước An Lộc từ 3 nghìn m3/ngđ lên 6 nghìn m3/ngđ. Đồng thời xây dựng mới 5 dự án nhằm cung cấp nước cho đô thị và các KCN.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa có dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải riêng. Hệ thống thoát nước thải đã được xây dựng chủ yếu là hệ thống cống thoát nước dọc và ngang các tuyến đường. Hầu hết các công trình này đã qua hơn 10 năm sử dụng mà không được duy tu bảo dưỡng, nạo vét nên gây tắc nghẽn, ngập úng, hôi thối ô nhiễm môi trường. Các hố ga bị bể nắp gây nguy hiểm cho người dân và mất mỹ quan đô thị. Điều này cho thấy việc quản lý, vận hành các công trình thoát nước còn thiếu sự quan tâm của các cấp chính quyền. Trong giai đoạn tới (2011 - 2015), chỉ có duy nhất đô thị Đồng Xoài có dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải với quy mô 10 nghìn m3/ngđ, tổng mức đầu tư gần 365 tỷ đồng.

Thưa ông, hiện nay, môi trường sống đang bị ô nhiễm, đặc biệt ô nhiễm từ rác thải và các chất thải do chính con người gây ra. Tại Bình Phước thì công tác quản lý chất thải được quản lý như thế nào?

- Chất thải rắn đô thị được thu gom tại các huyện bình quân khoảng 50 - 60 tấn/ngày, riêng đối với thị xã Đồng Xoài khoảng 63 tấn/ngày, với lượng thải bình quân đầu người 0,91 kg/người/ngày, rác không được phân loại tại nguồn.

Theo thống kê, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom tại các đô thị trong tỉnh chỉ đạt khoảng 50% so với lượng rác phát sinh, riêng tại thị xã Đồng Xoài đạt khoảng 70%. Trung tâm các huyện, thị xã đã có trang bị các xe chuyên dụng để thu gom rác thải trong khu vực. Các khu vực nông thôn rác thải hầu như không được thu gom mà do người dân tự xử lý bằng cách chôn lấp hay đốt bỏ. Các bãi rác hiện nay đều là bãi rác lộ thiên, chưa được xây dựng theo yêu cầu bãi chôn lấp hợp vệ sinh nên không đảm bảo vệ sinh môi trường, ô nhiễm môi trường đã xảy ra tại các bãi rác. Hiện nay, khu vực thị xã Đồng Xoài đã được trang bị lò đốt rác thải đô thị công suất 100 tấn/ngđ. Ngoài ra, còn có một số bãi rác tự phát không theo quy hoạch tại một số khu vực làm ô nhiễm môi trường cục bộ cho khu vực như bãi rác tại ngã tư đường QL14 và đường Nguyễn Huệ…

Xin cám ơn ông!

                                                                                             Cao Cường (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay9,282
  • Tháng hiện tại39,855
  • Tổng lượt truy cập12,939,747
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây